Thị trường bất động sản (BĐS) đang ghi nhận hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án diễn ra khá sôi động giữa các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước. Đặc biệt, tác động từ nhũng chính sách mới là "lực đẩy" quan trọng giúp hoạt động M&A trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời Báo Tài Chính Việt Nam.
PV: Đâu là những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng của các thương vụ M&A BĐS thời gian gần đây, thưa bà?
Trong nửa đầu năm, hoạt động M&A BĐS được ghi nhận sôi động ở nhiều phân khúc khác nhau như đất dự án, khách sạn, văn phòng, căn hộ bán, khu công nghiệp và bán lẻ… Tuy nhiên, những thương vụ được công bố chỉ là phần nổi của "tảng băng" M&A BĐS. Bởi có nhiều thương vụ cả bên bán lẫn bên mua đều không muốn công bố; do đó, có thể trên thực tế thị trường M&A BĐS còn sôi động hơn.
M&A BĐS phát triển sôi động mạnh mẽ, một phần là do thị trường BĐS khởi sắc. Các doanh nghiệp (DN) địa ốc có tiềm lực tài chính tốt đẩy mạnh đầu tư. Trong khi đó, quỹ đất để phát triển các dự án mới đang trở nên hạn chế hơn. Ngoài ra, việc đầu tư vào các dự án có quỹ đất sạch, đầy đủ hồ sơ pháp lý sẽ giúp các DN giảm thiểu được các chi phí và rủi ro trong giai đoạn đầu của việc xây dựng và phát triển dự án, đồng thời cũng thúc đẩy dự án đi vào hoạt động một cách nhanh và hiệu quả hơn.
Về phía bên bán, khi thị trường hồi phục, có nhiều đối tượng hỏi mua với giá tốt, chủ dự án sẽ cân nhắc bán để chuyển đổi sang phát triển dự án khác. Bên cạnh đó, một số dự án BĐS thương mại đã hoạt động được một thời gian dài, hạn sử dụng đất còn ít, dẫn đến việc chủ dụ án muốn bán để tránh được việc liền quan đến gia hạn sử dụng…
Đặc biệt, những quy định mới trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi, nhất là việc pháp luật cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đã giúp cho các NĐT chủ động hơn trong việc tìm kiếm quỹ đất cho chiến lược phát triển dài hạn của mình.
PV: Nhìn vào các thương vụ M&A BĐS trên thị trường, NĐT ngoại vẫn đang chiếm ưu thế so với các DN nội, vì sao, thưa bà?
Từ một vài nãm trước, các NĐT nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam, liên tục tìm kiếm cơ hội để mua lại các tài sàn BĐS và nhiều thương vụ lớn đã được "chốt" thành công.
Hiện nay, xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng. Lý do là bởi, thị trường BĐS việt Nam được đánh giá đang bước vào chu kỳ hồi phục tích cực, thanh khoản tốt. Bên cạnh đó, thị trường được "nâng đỡ" bởi nhiều chính sách thuận lợi như việc cải thiện quá trình cấp phép đầu tư, đặc biệt cấp phép cho BĐS nước ngoài đã thông thoáng hơn, hay quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu, chuyển nhượng BĐS ở Việt Nam…
Nhìn chung, so với các DN trong nước, các NĐT nước ngoài có nhiều thế mạnh hơn như quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm trong hoạch định chiến lược, đầu tư, định giá tài sản… vốn là những điểm yếu của DN trong nước. Tuy nhiên, các DN địa ốc nội có nhiều ưu thế về tiếp cận quỹ đất tốt hơn, hiểu rõ môi trường kinh doanh trong nước tốt hơn… nên nếu DN nội có tầm nhìn, chiến lược hiệu quả thì vẫn thu được nhiều thành công trong các thương vụ M&A.
PV: Bà nhận định như thế nào về triển vọng M&A BĐS từ nay đến cuối năm 2016?
Tôi cho rằng, hoạt động này sẽ tiếp tục sôi động trong những tháng còn lại của năm 2016. Lượng giao dịch nhiều hơn, nhờ vào những yếu tố tích cực của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung. Trong đó, dự báo các thương vụ M&A sẽ diễn ra sôi động nhất ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…
Nhìn về tương lai, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng được kỳ vọng là cú huých lớn cho thị trường, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào BĐS dự báo cũng tăng cao.
Theo một khảo sát với khoảng 200 đại diện các NĐT BĐS lớn trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2016 có 20% các NĐT bày tỏ ý định muốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á (so với tỷ lệ 17% trong năm 2015); 36% các NĐT nhận định Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất, tiếp đến là Singapore (31%).
Tuy nhiên, để đón sóng đầu tư ngoại, các cơ quan chức năng cần tăng cuờng nhiều biện pháp làm gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Đặc biệt, vấn đề quan ngại lớn nhất đối với các NĐT nước ngoài là vấn đề về giá chuyển nhượng và tính minh bạch. Nếu DN địa ốc nội và NĐT ngoại gần nhau hơn về hai vấn đề này thì hoạt động M&A sẽ còn sôi động hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Thời Báo Tài Chính Việt Nam